TIN NHIỀU NGƯỜI ĐỌC NHẤT
Hiển thị bài đăng 1 - 5trong tổng số 11.
Xem nội dung khác »
|
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Cử nhân đi phu hồ, giúp việc. Lãng phí còn hơn lười biếng.
Quá lãng phí! Nhiều năm gần đây, tình trạng cử nhân và cả thạc sĩ làm những công việc phổ thông như phụ hồ, giúp việc nhà, công nhân… được nhắc đến rất nhiều. Đối với cá nhân mỗi người có thể nói đây là nỗ lực để họ vượt qua khó khăn trước mắt. Nhưng trên góc độ tổng thể, đó là một sự lãng phí khủng khiếp của giáo dục đại học (ĐH) đối với người học và với xã hội. Lâu nay vô số nguồn lực được “dốc sức” cho giáo dục ĐH nhưng rồi đối tượng tốt nghiệp từ các trường ĐH luôn chiếm tỷ lệ thất nghiệp cao và theo chiều hướng tăng dần đều. Việc cử nhân phải làm đủ mọi ngành nghề ngoài chuyên môn để sống thể hiện sự mất cân bằng và bất ổn giữa cung - cầu của giáo dục ĐH. Đặc biệt, lý do thất nghiệp chủ yếu là cử nhân không đáp ứng được nhu cầu xã hội. Trung bình mỗi quý chúng ta có thêm 25.000 người tốt nghiệp ĐH và sau ĐH thất nghiệp nhưng các doanh nghiệp vẫn cực kỳ khó tìm được nguồn nhân lực chất lượng. Việc cử nhân “dừng chân” ở những công việc trái nghề, phổ thông chủ yếu mang tính tạm thời, giải quyết khó khăn trước mắt. Và việc họ muốn kiếm những công việc lao động phổ thông cũng không dễ bởi không có tay nghề, kinh nghiệm. Lao động phổ thông bây giờ đòi hỏi kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng không thuộc khả năng đảm đương của các trường ĐH về Kinh tế, Quản trị, Sư phạm… “Ăn nhờ ở đậu”, ít cử nhân nào nghĩ đến việc gắn bó lâu dài với những công việc phổ thông. Một khi làm việc tạm bợ cùng tâm lý bất mãn thì hiển nhiên công việc cũng sẽ không đạt hiệu quả cao nhất. Sự lãng phí của hàng vạn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp không chỉ lãng phí ở từng người học, trong từng gia đình, ở đào tạo mà lãng phí cho cả nền kinh tế, cho xã hội. Làm biếng sẽ càng lãng phí! Một vấn đề được đặt ra: Nên nhìn nhận như thế nào về việc cử nhân đi giúp việc nhà, phụ hồ? Ông Lý Trường Chiến, Chủ tịch Trí Tri Group bày tỏ trong mọi hoàn cảnh, thuận lợi hay khó khăn thì con người phải lao động. Việc cử nhân được đạo đào về những lĩnh vực khác, tìm được “tạm lánh” vào các công việc trái ngành, phổ thông không thể phủ nhận đó là sự lãng phí của toàn xã hội. Nhưng theo ông Chiến, phải nhìn vào thực tế khi giáo dục ở trường học chưa đạt các yêu cầu tuyển dụng của nền kinh tế thị trường. Sinh viên ra trường thất nghiệp, không việc làm mà lại tiếp tục… làm biếng thì còn lãng phí hơn nhiều. “Đến lúc các bạn phải hiểu rằng bản chất thu nhập của mình sẽ đến từ giá trị mình tạo ra chứ không phải ở bằng cấp”, ông Chiến nói. Một nhà giáo dục khác đưa ra quan điểm, khi anh có bằng cấp nhưng không đủ năng lực để xin việc phù hợp với chuyên môn được đào tạo và anh cũng không chịu bắt đầu bằng những vị trí thấp hơn, những công việc phổ thông, tay chân thì… đang tự giết mình. Mà trường hợp này bây giờ không hề ít, nhiều người “ru ngủ” cuộc đời bằng tấm bằng. Trong khi, tất cả mọi người đều cần lao động để trả lời câu hỏi: Tôi là ai? Một khi “sự đã rồi”, thay vì tiếp tục chờ đợi vào những chính sách, vào những đổi mới của việc đào tạo thì mỗi phải tự tìm cách cứu lấy mình. Chúng ta tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN (AEC) đặt người lao động phải cạnh tranh từng vị trí việc làm với đội ngũ nhân lực đến từ các nước. Khi chưa đáp ứng được chuyên môn đào tạo và tiếp tục “chê” việc thì chẳng khác nào người lao động tự loại mình và nhường sân cho “đối tác”. Theo Dân trí |
Học sinh lớp 5 không đọc thông viết thạo. Nhà trường nói gì?
Dù đang học lớp 5, nhưng gia đình phát hiện Vịnh chỉ có thể viết được tên của mình, tên trường, tên lớp và một vài chữ cái khác.Vượt hơn trăm cây số, chúng tôi tìm về nhà Nguyễn Văn Vịnh ở thôn Nghĩa
An, xã Nghĩa Phương, H.Lục Ngạn, Bắc Giang. Vịnh đang học lớp 5 Trường
tiểu học Nghĩa Phương 1 (xã Nghĩa Phương, H.Lục Nam, tỉnh Bắc Giang). Dù đang học lớp 5, nhưng gia đình phát hiện Vịnh chỉ có thể viết được tên của mình, tên trường, tên lớp và một vài chữ cái khác. Vẫn lên lớp đều đặn Giữa buổi trưa, Vịnh vừa nghêu ngao hát mấy bài hát thiếu nhi vừa vét cơm nguội cho gà ăn. Thấy có khách, Vịnh nhanh nhảu: “Bố mẹ cháu sắp về rồi ạ, chú vào trong nhà ngồi đợi cho mát”. Tôi ra bể nước xem cậu học sinh lớp 5 này làm việc nhà. Chỉ loáng một cái Vịnh đã bắc nồi cơm lên bếp, rồi nhóm lửa. Vịnh thủ thỉ: “Hôm nào cũng vậy, tan học là cháu lại đạp xe nhanh về nhà để nấu cơm. Sau đó đợi bố mẹ và em về ăn, tới 2 giờ chiều cháu lại đạp xe tới trường. Buổi chiều lớp cháu học lúc 2 giờ 15”. Tới gần 12 giờ trưa, bố mẹ Vịnh đi làm về. Thấy tôi ngồi trò chuyện với cậu con trai, chị Vinh giọng như nghẹn lại, cho hay: “Đấy, cháu nó hoàn toàn khỏe mạnh bình thường, có chậm tiến hay đầu óc có vấn đề gì đâu mà nhà trường lại xếp cháu vào diện học hòa nhập cộng đồng. Không tin các chú có thể đi hỏi cả làng cả xã này xem thằng Vịnh bình thường hay ốm yếu bệnh tật. Tôi dám khẳng định đó chỉ là cái cớ để nhà trường biện hộ cho việc học tới lớp 5 mà con tôi vẫn không thể đọc thông viết thạo”. Theo lời chị Vinh, đầu năm học lớp 4, gia đình phát hiện Vịnh chỉ có thể viết được tên của mình, cũng như tên trường, tên lớp và một vài chữ cái khác. Trong lần họp phụ huynh, chị Vinh giãi bày mong muốn các thầy cô làm sao để cháu được dạy bảo nhiều hơn, cần thiết thì cho cháu ở lại lớp để đọc, viết được. Nhưng cuối năm, Vịnh vẫn lên lớp 5, bất chấp việc không thể viết thành thạo. Nói tới đây, chị Vinh gọi cậu con trai tới bàn uống nước, rồi nói viết tên mình. Vịnh cầm bút rồi nắn nót từng nét chữ. Phải khá lâu sau Vịnh mới viết nổi tên - Nguyễn Văn Vịnh. Nhưng khi bảo Vịnh lần lượt viết họ tên của bố mẹ, các anh em, thì cậu học trò lớp 5 chỉ biết lắc đầu, cắn bút. Khi tôi nghĩ từ ngắn hơn “bầu trời” để Vịnh viết, em cũng chỉ viết được một từ, mà còn nhầm từ “bầu” sang “đầu”, còn từ “trời” Vịnh không tài nào đánh vần để viết nổi. Cho lên lớp vì sợ ảnh hưởng tới học sinh khác Ông Thân Văn Lăng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nghĩa Phương 1, cho biết từ năm lớp 3, khi phát hiện em Vịnh không thể đọc viết thạo như các bạn cùng trang lứa, nhà trường đã cử nhiều lượt thầy, cô dạy giỏi kèm nhưng đều bất thành. Theo ông Lăng, Vịnh có vấn đề về việc tiếp thu bài vở, nói hôm nay, mai quên nên học hành không tiến bộ. Thầy Lăng cho hay: “Với những biểu hiện trên, nhà trường quyết định lập danh sách đưa cháu vào diện học hòa nhập cộng đồng và hiện nhà trường đang thành công trong việc đưa cháu Vịnh hòa nhập cộng đồng”. Dù không thể đọc thông viết thạo nhưng Vịnh vẫn lên lớp hằng năm. Lý giải điều này, ông hiệu trưởng cho rằng: “Với em Vịnh thì học lại một năm hay nhiều năm thì cũng khó mà tiếp thu được kiến thức của giáo viên giảng trên lớp. Và cũng chính vì sợ ảnh hưởng tới các em khác nên chúng tôi để em lên lớp, chứ không hoàn toàn là do chạy theo thành tích”. Không đồng tình với quan điểm cũng như cách lý giải của Trường tiểu học Nghĩa Phương 1, anh Nguyễn Văn Chung, phụ huynh của Vịnh, bức xúc: “Nhẽ ra học yếu như Vịnh thì cần phải giữ lại lớp để học thêm. Nhà trường đã không làm như vậy mà lại giấu gia đình, tự ý liên hệ với trạm y tế của xã để xác nhận cháu Vịnh có vấn đề về sức khỏe”. Vẫn theo anh Chung, khi có được xác nhận của trạm y tế xã, nhà trường mặc nhiên chuyển cháu qua diện đang theo học hòa nhập cộng đồng. Điều này đồng nghĩa với việc cháu Vịnh con anh có học dốt, đọc không thông, viết không thạo thì vẫn được lên lớp bình thường. Trao đổi với phóng viên, ông Hà Kế Sen, Trưởng thôn Nghĩa An, cho biết việc cháu Vịnh học tới lớp 5 mà đọc và viết đều không thạo là có thật. Tuy nhiên, ngoài giờ lên lớp, Vịnh hoàn toàn bình thường, khỏe mạnh như những đứa trẻ khác trong thôn. “Hết giờ học, khi bố mẹ đi làm thêm, cháu Vịnh còn phải trông em, lo việc nhà… Người ngoài nhìn vào cũng đủ thấy cháu hoạt bát, khỏe mạnh nên nói cháu có vấn đề về trí tuệ, phải học diện hòa nhập cộng đồng là vô lý”. Nguồn: Báo Bắc Giang |
Chương trình trung cấp 1 năm. Giải pháp "liên thông ngược".
Kinh
tế suy thoái, định hướng chọn ngành sai ngay từ đầu, nhu cầu tuyển dụng thực tế
trong xã hội… là những yếu tố ảnh hưởng rất nhiều đến cơ hội tìm việc của mỗi
người. Mỗi năm có đến hàng nghìn cử nhân ra trường thất nghiệp. Theo thống kê của Cục Việc Làm thì có đến 72.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp mỗi năm. Nghịch lý ở chỗ, cử nhân thì vẫn thất nghiệp, trong khi nhiều công ty, doanh nghiệp thậm chí là các đơn vị hành chính nhà nước lại đang thiếu nhân lực. Chính vì vậy, đã có rất nhiều người chọn hướng “liên thông ngược” quay lại học trung cấp ngành khác nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng. Theo quy chế của Bộ Giáo dục và đào tạo, nếu sinh viên đã có một văn bằng, sẽ chỉ phải học những môn cơ sở và chuyên ngành của ngành chuyển đổi nên việc học sẽ thực tế và rút ngắn thời gian rất nhiều. Những khóa học chuyển đổi ngắn hạn, sẽ cung cấp cho học viên những kiến thức thực tế, thiết thực nhất trong chuyên ngành mới. Trong
khi thông tin truyền thông đang “rả rả” nói về vấn nạn cử nhân thất nghiệp hoặc
“thừa thầy thiếu thợ”. Thiết nghĩ việc thức thời và có một hướng đi thay đổi để
đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng cũng là một việc đúng đắn và nên làm. Mr B |
Năm 2015, Thí sinh tự do sẽ thi đại học thế nào?
Trong cuộc họp báo chiều 9/9, Bộ GD-ĐT đã giải đáp nhiều thắc mắc xung quanh kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và làm căn cứ thi đại học sẽ được tổ chức bắt đầu từ năm 2015. Dưới đây là những thông tin được quan tâm bởi rất nhiều phụ huynh và các em học sinh. Thí sinh tự do sẽ thi đại học như thế nào? Thí sinh tự do chưa tốt nghiệp THPT những năm trước có thể đăng ký dự thi hoặc là chỉ để được xét công nhận tốt nghiệp hoặc với cả hai mục đích vừa để xét công nhận tốt nghiệp vừa lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ sẽ đăng ký môn thi tùy theo mục đích dự thi của mình. Thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT nếu có nguyện vọng thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ thì chỉ đăng ký thi những môn thi phù hợp với khối thi của trường mà mình lựa chọn để xét tuyển, chứ không phải thi các môn không phục vụ xét tuyển vào các ngành, trường ĐH, CĐ mà các em lựa chọn. Cấu trúc, nội dung đề thi của kỳ thi THPT quốc gia? Nội dung đề thi nằm trong chương trình phổ thông và chủ yếu lớp 12. Đề thi, vừa có phần nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao, đáp ứng yêu cầu cơ bản nâng cao. Đây là dữ liệu đủ tin cậy để xét tuyển ĐH, CĐ. Đề thi không tách riêng phần dành cho xét tốt nghiệp THPT và xét vào ĐH, CĐ. Chỉ có một đề thi và có câu hỏi nâng cao để đủ phân loại thí sinh làm cơ sở căn cứ vừa công nhận tốt nghiệp, vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ. Việc xét công nhận tốt nghiệp vẫn tương tự như năm 2014 gồm kết quả thi kết hợp với điểm đánh giá quá trình. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học từng năm theo hướng phát triển năng lực. Cùng với đó, tỷ lệ các câu hỏi khó, yêu cầu cao sẽ tăng lên. Học sinh sẽ phải làm quen với các câu hỏi yêu cầu phát huy năng lực tư duy, sáng tạo, năng lực vận dụng kiến thức liên môn và liên hệ với thực tế. Việc đổi mới nội dung đề thi sẽ được tiến hành từng bước để không gây sốc cho thí sinh Việc tổ chức thi theo cụm sẽ diễn ra như thế nào để tránh tình trạng quá tải? Việc thiết kế kỳ thi THPT quốc gia giữ lại những gì tốt nhất của ba chung. Việc giao tổ chức các cụm thi cho các trường, địa phương căn cứ vào các tiêu chí sau năng lực trường đại học về đội ngũ, cơ sở vật chất; lưu lượng học sinh lớp 12 ở địa phương; thuận tiện đi lại cho học sinh. Dựa trên các tiêu chí này, Bộ sẽ mở rộng số lượng cụm thi phù hợp, vừa sức tải của trường, địa phương. Bộ GD-ĐT sẽ tính toán trên các cở sở 4 cụm trong kỳ thi đại học vừa qua. Dự kiến mỗi cụm có khoảng 30.000-40.000 thí sinh trở lại, không sợ quá tải. Các thí sinh sẽ được đăng ký bao nhiêu nguyện vọng vào các trường đại học, cao đẳng? Khác với những mùa thi trước, ở kỳ thi THPT quốc gia sau khi có kết quả, thí sinh sẽ đăng ký vào các trường trên cơ sở yêu cầu cụ thể. Một thí sinh có thể đăng ký bao nhiêu nguyện vọng phụ thuộc điều kiện do các trường quy định (công bố trước ngày 1/1/2015). Trước đây khi chưa có kết quả thi các em đã đăng ký nguyện vọng nên dẫn đến tình trạng thí sinh ảo nhiều. Với thay đổi này, Bộ GD-ĐT hy vọng tình trạng thí sinh ảo sẽ giảm bớt. Bộ cũng sẽ chỉnh sửa phần mềm tuyển sinh cho phù hợp, để thí sinh có thể đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ trên mạng. Lợi ích của các thí sinh khi tiến hành tổ chức kỳ thi THPT quốc gia? Việc tổ chức một kỳ thi quốc gia rất có lợi cho thí sinh. Trước hết, các em chỉ thi một kỳ thi nhưng sử dụng kết quả đó để xét vào rất nhiều trường ĐH, CĐ. Bên cạnh đó, các em thi xong, có kết quả rồi mới đăng ký xét tuyển. Vì vậy, tránh hoàn toàn rủi ro mà quy định của kỳ thi ba chung trước đây. Đối với những học sinh đã có bằng tốt nghiệp THPT, nếu năm tới tổ chức kỳ thi quốc gia, các em chỉ thi những môn liên quan mà mình đăng ký xét tuyển, còn những môn không liên quan, các em có quyền không thi vì không sử dụng kết quả ấy để công nhận tốt nghiệp THPT. Vì vậy, cả về nội dung thi và cách thức sử dụng kết quả kỳ thi này đều có lợi cho thí sinh. Nguồn Zing News Xem thêm 9 điểm khác trong kỳ thi Quốc gia 2015 tại đây |
Bộ giáo dục công bố 4 môn thi cho kỳ thi Quốc Gia chung
tuyển sinh cao đẳng, đại học (CĐ, ĐH). Chiều 9/9, ông Phạm Ngọc Phương, Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT công bố phương án đổi mới căn bản thi cử, trong đó quan trọng nhất là tổ chức một kỳ thi quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học sử dụng làm căn cứ tuyển sinh thay vì tổ chức hai kỳ thi để thực hiện hai mục đích riêng rẽ như trước đây. Không giống dự thảo đã đưa ra lấy ý kiến người dân, phương án chính thức quy định mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn (gọi là các môn thi tối thiểu) gồm: 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn trong Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý. Kết quả của 4 môn thi tối thiểu được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp và đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có các môn thi phù hợp với ngành đào tạo. Ngoài 4 môn thi nói trên, thí sinh có quyền đăng ký thi thêm các môn còn lại để sử dụng cho việc đăng ký tuyển sinh ĐH, CĐ theo yêu cầu của các ngành đào tạo do từng trường ĐH, CĐ quy định trong Đề án tuyển sinh của trường. Với những học sinh, học viên không được học Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng thì không bắt buộc phải thi. Thí sinh được chọn môn thay thế trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý. Thí sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ theo quy định do Bộ GD&ĐT công bố sẽ được miễn thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ. Thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước chỉ đăng ký các môn thi phục vụ cho tuyển sinh ĐH, CĐ. Kỳ thi THPT quốc gia hàng năm sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 6. Năm 2015, kỳ thi diễn ra vào các ngày 9-12/6. Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, thí sinh thi tự luận, thời gian 180 phút. Các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ thi trắc nghiệm, thời gian 90 phút. Công tác đề thi tiếp tục được đổi mới theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở; giảm dần yêu cầu ghi nhớ máy móc số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Nội dung câu hỏi đảm bảo cả 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao, vừa có phần cơ bản đáp ứng cho hầu hết thí sinh, vừa có phần nâng cao nhằm phân hóa trình độ học sinh phục vụ công tác tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ. Do đó, trước mắt học sinh chưa phải thay đổi nhiều trong cách học hay phải bổ sung kiến thức gì ngoài chương trình phổ thông. Về việc xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Khảo thí, cho biết các sở GD&ĐT kết hợp sử dụng kết quả 4 môn thi tối thiểu với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm khuyến khích (nếu có) để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Trước ngày 1/1 hằng năm, các trường ĐH, CĐ công bố mức độ và cách thức sử dụng kết quả của kỳ thi để tuyển sinh. Căn cứ kết quả thi, Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu đối với từng môn. Các ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi dựa trên ngưỡng điểm này để tuyển sinh theo quy định. Thí sinh đăng ký tuyển sinh vào các trường theo nguyện vọng cá nhân dựa trên chỉ tiêu tuyển sinh của trường ĐH, CĐ và kết quả thi của mình. Các trường ĐH, CĐ tuyển sinh theo các phương thức khác phải xây dựng và công bố Đề án tự chủ tuyển sinh theo quy định. Ông Trinh giải thích thêm, do điểm thi của thí sinh trong kỳ thi được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, nên thí sinh sẽ thi quốc gia trước, đăng ký tuyển sinh vào ngành và trường ĐH, CĐ sau khi có kết quả thi quốc gia. Như vậy, đối với tuyển sinh ĐH, CĐ đã tách khâu thi và khâu xét tuyển, tạo cơ hội cho thí sinh vào học các trường ĐH, CĐ phù hợp với năng lực và nguyện vọng của mình, tránh sự rủi ro như những năm trước đây có những thí sinh điểm thi cao nhưng vẫn có thể trượt đại học. Việc coi thi, chấm thi được tổ chức theo cụm. Bộ GD&ĐT sẽ công bố các cụm thi và giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức cho các trường đại học đủ năng lực. Tại các địa phương không có cụm thi do trường đại học chủ trì, để tạo điều kiện cho thí sinh tham dự kỳ thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT sẽ thống nhất với UBND cấp tỉnh tổ chức một số cụm thi do các sở GD&ĐT chủ trì. Công tác coi thi, chấm thi sẽ có sự tham gia của cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ cùng giáo viên các trường THPT. Các Sở Giáo dục, Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) tổ chức cho thí sinh đăng ký dự thi vào trung tuần tháng 3; nhập dữ liệu vào phần mềm quản lý thi và chuyển dữ liệu về Bộ GD&ĐT vào giữa tháng 4 hằng năm. Theo Bộ Giáo dục, những đổi mới của kỳ thi đều theo hướng nhẹ nhàng, tạo cho các em nhiều cơ hội chọn trường, chọn ngành phù hợp. Theo công bố của Bộ Giáo dục và đào tạo. Từ năm 2015, mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn để xét tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và Theo Vnexpress |
Doanh nghiệp "tranh cướp" sinh viên trường trung cấp
Sinh viên Đại học loay hoay tìm việc, Sinh viên Trung cấp "đắt hàng" Đại diện của một trường Trung cấp chính quy tại Hà Nội cho biết, dù việc tuyển sinh của nhà trường những năm gần đây gặp rất nhiều khó khăn tuy nhiên việc giải quyết đầu ra cho sinh viên, nhà trường lại đang làm rất tốt. Sau mỗi khóa đào tạo, chỉ khoảng 3 tháng sau khi tốt nghiệp gần như 100% sinh viên được đào tạo tại trường đã đi làm ổn định. Thậm chí, các doanh nghiệp trên địa bàn còn chủ động kết nối để đón đầu sinh viên vì rất tin tưởng vào chất lượng đào tạo của nhà trường. Khó khăn lớn trong tuyển sinh hiện nay là nhiều em tốt nghiệp phổ thông không muốn theo học trung cấp, cao đẳng. Ngoài lý do “tâm lý bằng cấp”, học sinh còn chia sẻ lương bậc đại học cao hơn trung cấp và cao đẳng. Nhưng có một thực tế, chuyện lương thấp lương cao theo bằng cấp chỉ tồn tại trong các cơ quan nhà nước. Thời điểm này, các doanh nghiệp đa số trả lương theo năng lực và cống hiến chứ không có chuyện theo bằng cấp. Có nhiều doanh nghiệp nhận định: "Tuyển những người có bằng trung cấp, cao đẳng nhưng có năng lực và có kỹ năng tốt còn hơn tuyển những sinh viên đại học nặng lý thuyết và thiếu tính thực tế. "Chúng tôi cần tuyển những người có thể làm việc chứ không đặt nặng yếu tố bằng cấp". Tại các khu công nghiệp, thậm chí hồ sơ đại học bị gạt ngay từ "vòng gửi xe". Thời gian đào tạo trung cấp, cao đẳng nhanh hơn so với thời gian học đại học. Tiêu chí đào tạo để sinh viên ra trường có thể làm được việc ngay, chương trình học thực tế, không quá nhiều môn "phụ" như học đại học. Đào tạo trung cấp, cao đẳng chất lượng cao - hướng đi trọng điểm Việc phát triển đào tạo trung cấp cần chú trọng chất lượng đào tạo, chương trình học phải gắn với thực tế. Ngoài ra, để mục tiêu này đạt hiệu quả cao, các cơ quan chức năng sẽ xây dựng theo hướng mở, đảm bảo đầu ra, đầu vào và không dàn đều về lộ trình thực hiện. Năng lực đào tạo của một trường dù ở bậc nghề, trung cấp, cao đẳng hay đại học, thể hiện ở việc, sinh viên sau khi được đào tạo ra trường có đủ kỹ năng kể cả kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng mềm để có việc làm và được các công ty doanh nghiệp săn đón, trọng dụng hay không. Theo Tintuyensinh |
Giáo dục Việt Nam: Có cần thay đổi tư duy?
“Tương lai có rất nhiều tên: Với kẻ yếu, nó là Điều không thể đạt
được. Đối với người hay sợ hãi, nó là Điều chưa biết. Với ai dũng cảm,
nó là Cơ hội”. Victor Hugo Đã bao giờ bạn tự hỏi tương lai của mình sẽ ra sao? Mình sẽ thế nào trong tương lai chưa? Nếu bạn đứng trước một câu hỏi như thế, bạn sẽ suy nghĩ gì? Tôi nghĩ, cách tốt nhất là hãy đầu tư cho mình một hành trang tốt nhất để bước tiếp, phải hướng tới tương lai. Học hành một cách nghiêm túc là cách đầu tư hiệu quả nhất mà bạn có thể làm cho bản thân. Một số người thường đo trình độ học vấn dựa theo bằng cấp của những trường danh tiếng, nhưng thực tế cách tiếp cận và phấn đấu thiên về bằng cấp không giúp bạn trở thành người thành công. Ralpa.J. Cordiner, chủ tịch Hội đồng Quản trị của tập đoàn General Electric là một nhà quản trị doanh nghiệp hàng đầu đã phát biểu “ Hai trong những vị chủ tịch sáng giá nhất của công ty chúng tôi, ông Wilson và ông Coffin chưa bao giờ có cơ hội đi học Đại học, có vài giám đốc hiện nay có bằng tiến sĩ, nhưng 20/41 người khác thậm chí không có bằng cử nhân. Chúng tôi chỉ quan tâm đến năng lực, chứ không phải bằng cấp”. Có một thực tế tại Việt Nam, khi mà xã hội vẫn còn nặng về bằng cấp, việc đào tạo trình độ Cao đẳng - Đại học tràn lan đã sinh ra nhiều hệ quả xấu. Theo công bố của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quý IV/2013, cả nước có thêm 72.000 lao động trình độ ĐH, CĐ thất nghiệp. Trong khi đó, chỉ tiêu vào ĐH tăng theo từng năm. Thực tế này khiến không ít người xót xa. Ông Đặng Văn Sáng tính toán chi phí cho một người học ĐH bình thường không dưới 100 triệu đồng, bao gồm học phí và các chi phí khác. Bốn năm đèn sách ra trường thất nghiệp rồi lại tiếp tục học một nghề để mưu sinh là sự lãng phí rất lớn. Vì vậy, giáo dục về chiều sâu đáng để chúng ta đầu tư hơn, Sự giáo dục mà người lĩnh hội sẽ được đánh giá bằng việc tư duy của bạn phát triển đến đâu, hiệu quả công việc của bạn tốt như thế nào. hãy đào tạo những con người có tư duy, kiến thức thực tế để có thể làm được việc, chứ không phải đào tạo ra nhiều cử nhân có tấm bằng ĐH và thất nghiệp. Bạn có thể thu nhập kiến thức bằng nhiều cách, thay vì cách tư duy lối mòn là cố học để có một tấm bằng Đại học. Bạn có thể lựa chọn những khóa học ngắn hơn, đào tạo tập trung vào thực tế để khi ra trường bạn có thể làm việc luôn chứ không phải quá nhiều lý thuyết, giáo điều. Hiện nay, có nhiều lớp học đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, chứng chỉ học vào buổi tối hoặc cuối tuần, nhưng mục đích đào tạo của trường không phải là tấm bằng, mà quan trọng là chương trình gắn với thực tế để học viên ra trường có thể đạt được những hiệu quả trong công việc và có một tương lai tốt đẹp hơn. Thời gian học nhanh, kiến thức thực tế, chi phí cho khóa học hợp lý, bạn sẽ nhận ra rằng “ chỉ cần một món đầu tư nhỏ, bạn đã có được cả tương lai”. Hãy nhìn vào nhu cầu của xã hội, trong trường hợp cần thiết, hãy sẵn sàng đi đường vòng. Bạn phải hiểu rằng, đường vòng chỉ đơn giản là một tuyến đường khác, chứ không có nghĩa là bạn từ bỏ mục tiêu. |
Đại học không phải con đường duy nhất.
Tôi biết, có nhiều bạn cũng nghĩ Đại học không phải là con đường duy nhất. Nhưng không ai dám tự tin đi theo con đường khác, kết quả cuối cùng là họ lại đổ dồn vào một con đường quen thuộc - con đường vào Đại học. Đó cũng chính là gánh nặng của bao nhiêu người không có đủ khả năng để biến ước mơ đó thành hiện thực. Có những bạn đằng đẵng theo đuổi con đường Đại học nhiều năm, tốn rất nhiều thời gian và chi phí, nhưng kết quả thu về lại không như mong đợi. Có những bạn vào được Đại học rồi, nhưng gia đình không có đủ kinh tế cho các bạn theo học. Với sinh viên hai năm đầu, các bạn cũng chưa được học vào chuyên ngành, chưa có đủ kiến thức và kinh nghiệm để có thể làm thêm. Tất cả đều phụ thuộc vào sự chu cấp của gia đình nên nhiều bạn đã phải bỏ ngang con đường Đại học. Tốt nghiệp THPT, hầu hết các bạn học sinh đều ước mơ được bước tiếp vào cánh cửa Đại học. Bởi lẽ, vào Đại học sẽ giúp cho các bạn có thêm kiến thức và kinh nghiệm để chuẩn bị cho sự nghiệp trong tương lai. Nhưng tôi chắc chắn một điều, con đường vào thẳng Đại học không phải là con đường duy nhất để đi đến thành công. => Vậy thì tại sao bạn không chọn một con đường vòng chắc chắn hơn để đến với cái đich thành công? ***** Tôi là một học sinh có lực học không tồi nhưng tôi đã thi trượt Đại học. Cảm giác lúc đó thật tệ, tôi cảm thấy tương lai của mình dường như đóng lại. Tôi đã thực sự cố gắng rất nhiều, nhưng kết quả lại không như mong đợi. Tôi nghĩ đến cảm giác của gia đình, người thân, bạn bè…và chính bản thân. Thực sự lúc đó tôi đã suy sụp. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Dừng lại con đường học vấn ở đây ư? Tôi không thể dừng lại được vì tôi còn rất muốn tiếp tục đi học để có kiến thức, và nếu không tiếp tục học tập thì tôi biết chắc tương lai của tôi sẽ không thể vững chắc. Tôi sẽ không có đủ khả năng để làm những công việc mà mình yêu thích. Tôi cũng không thể ở nhà một năm để chờ đợt thi Đại học tiếp theo vì sau một thời gian dài như vậy, liệu tôi còn đủ động lực để ôn thi? liệu tôi có thể đỗ? Tôi muốn mình có được những câu trả lời chính xác cho tương lai chứ không phải là những câu hỏi mơ hồ như vậy. Hơn thế nữa, thời điểm này bạn bè tôi đã đi học gần hết, có đứa đỗ Đại học, có đứa học Cao đẳng, cũng có đứa được gia đình hướng vào Trung cấp. Trong khi đó tôi lại đang chìm trong cảm giác có lỗi, xấu hổ với bản thân và sự kỳ vọng của gia đình. Trong lúc này, tôi cần một “lối thoát”. Qua tìm hiểu và định hướng của gia đình, tôi quyết định sẽ lựa chọn một trường Trung cấp để học. Bởi tôi biết, với chính sách của Bộ giáo dục Đào tạo hiện nay sau khi học xong Trung cấp tôi có thể học liên thông lên các trường Cao đẳng, Đại học. Không những vậy, tốt nghiệp Trung cấp, tôi đã có kiến thức để có thể đi làm phụ giúp kinh tế cho bố mẹ, song song với việc học liên thông Đại học. Đây cũng là cách để tôi tiếp thu được những kinh nghiệm thực tế cho bản thân. Với những kinh nghiệm như vậy, tôi nghĩ không phải bạn nào học Đại học cũng có được, bởi phải đến hai năm cuối các bạn mới học các môn chuyên ngành, mới có kiến thức để làm việc. Trong thời điểm đó, học Trung cấp là con đường vòng vững chắc để tôi tiếp cận với cái đích thành công. ***** Hiện tại, tôi đã học xong chương trình trung cấp Kế toán và đang học liên thông lên Đại học, đồng thời đã biên chế vào vị trí Kế toán của một trường Cấp III công lập thuộc trung tâm Hà Nội. Nghĩ tới thời kỳ mới trượt đại học, tôi đã mỉm cười vì biết mình đã nhìn thấy được “ánh sáng cuối đường hầm”. Tôi đã lấy lại được niềm tin của bố mẹ cùng với sự kiêu hãnh của bản thân. Tôi đã được làm công việc mà mình yêu thích và có quyền mơ ước tới một tương lai rộng mở. Tôi đã chạm được tới thành công. Tôi cũng muốn nhắn gửi tới các bạn trẻ, đừng bao giờ lùi bước trước khó khăn, đừng bao giờ nghĩ, để đi đến thành công chỉ có một con đường duy nhất. Có rất nhiều con đường phù hợp với khả năng của mỗi người, nếu đã nỗ lực thì hãy tin vào thành công trong tương lai của mình. Ở khía cạnh nào đó, tôi đã đúng khi lựa chọn con đường học Trung cấp. Còn bạn… Chúc các bạn thành công trên con đường mình đã chọn! Hà Anh - Kế toán |
Thi công chức 2014. Bạn biết gì về thi công chức?
Thi công chức là từ cụm được nhắc đến nhiều trong năm 2014. Khi mà khối Hành chính công ở các đơn vị, cơ quan nhà nước đang có đợt tuyển viên chức lớn để củng cố cho những vị trí còn thiếu. Vậy công chức là gì? Đây là từ chỉ người được tuyển dụng làm việc thường xuyên trong khối cơ quan nhà nước và họ được trả lương bằng nguồn ngân sách nhà nước. Thi công chức tức là hoàn thành kì thi tuyển để làm việc trong khối nhà nước hay khối công. Việc thi tuyển được thực hiện ở nhiều ngành trong khối hành chính như y tế, phường xã, giao thông vận tải, các trường học thuộc khối công …. Tương ứng với mỗi ngành mà các kì thi công chức đưa ra các môn thi khác nhau, dựa trên đặc thù của từng ngành. Thi công chức theo quy định có hiệu lực hiện hành từ ngày 1/5/2010 thì sẽ có 4 môn thi trong kì thi công chức : Môn Kiến Thức Chung, Môn Nghiệp Vụ, Môn Ngoại Ngữ và Môn Tin Học Văn Phòng. Theo đó tùy từng ngành ta sẽ có những môn thi phù hợp với Môn Nghiệp vụ. Các trường hợp được miễn các môn Tin học văn phòng và ngoại ngữ phải nằm trong các điều kiện sau: Có bằng tốt nghiệp Đại Học và Sau đại học ngành Ngoại Ngữ. Có bằng đại học và sau đại học tốt nghiệp ở nước ngoài,sau đại học học bằng tiếng nước ngoài ở Việt Nam. Kết quả thi công chức sẽ được chấm và công bố. Điểm được xét từ cao xuống thấp đến khi lấy đủ chỉ tiêu mà đơn vị còn thiếu. Trường hợp hai thí sinh có điểm bằng nhau tiến hành xét điểm người nào có điểm chuyên ngành nghiệp vụ cao hơn sẽ trúng tuyển. Bạn có biết về phân loại công chức : Loại A: Bao gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên cao cấp hoặc các vị trí tương đương. Loại B : Bao gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên chính hoặc các tương đương. Loại C : Bao gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên hoặc tương đương. Loại D : Bao gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch cán sự hoặc các vị trí tương đương và ngạch nhân viên. Nguồn: Mr B |
Có cần học Đại học bằng mọi giá
Sống trong nhà vệ sinh công cộng, trong ống cống bỏ hoang dành tiền nuôi
con học đại học. Bán máu nuôi con học đại học. Ăn xin nuôi con học đại
học và mới đây là đỉnh điểm: người mẹ suốt mười năm ăn cám thay cơm để
nuôi bốn con học đại học. Bất cứ "tấm gương" nào như thế, dư luận đều ca ngợi hết lời. Xã hội cổ súy, trầm trồ tung hô họ, lấy đó làm gương cho người khác. Ngay cả khi có người mẹ bộc bạch, lắm lúc bà chỉ muốn chết đi vì khổ quá, nhưng nhìn con buồn bã vì không được đi học đại học lại không nỡ. Ngay cả khi đứa con học xong đại học, lên cao học rồi đi dạy cấp 3 mà hằng tháng cố gắng lắm mới dành dụm được một hai trăm nghìn phụ mẹ nuôi em. Ngay cả khi từ đường của một dòng họ "có 12 tiến sĩ, 12 thạc sĩ, hơn 300 cử nhân và hàng trăm con em khác đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng trong cả nước, đã 2 lần vinh dự được tỉnh cử đi báo cáo thành tích trong Hội nghị toàn quốc nhân điển hình tiên tiến về phong trào khuyến học khuyến tài tại Hà Nội… vẫn còn bức tường chưa trát xi măng vì không đủ tiền. Ngay cả khi cô gái nọ lấy xong tấm bằng đại học thứ hai thì mất việc, phải sống nhờ rất lớn vào một người bạn và khi có thu nhập đều đặn vẫn phải chi tiêu eo hẹp hết sức, từ ngày ra trường không dám mua quần áo giày dép. Ngay cả khi có 70.000 cử nhân thất nghiệp, nhiều cử nhân ra làm tiếp thị, công nhân, bán hàng rong, bán hàng đa cấp. Ngay cả khi có người quen làm ở huyện vẫn không xin được một chân dạy học, không quen phải tốn 60-70 triệu đồng, bán cả gia sản không lo được... Với những ông bố bà mẹ kể trên, học đại học là cánh cửa duy nhất để thoát nghèo và ngẩng mặt với đời. Họ quyết liệt chấp nhận tất cả để nuôi con vào đại học. Thế nhưng với vô vàn trường hợp thực tế như trên, đổi lấy 10 năm ăn cám của mẹ xong, chắc gì con đã thoát nghèo? Lo lấy thân còn chưa xong, chắc gì đã ngẩng được mặt? Những trí thức đói ăn thì đóng góp gì được cho xã hội? Tôi trách những đứa con 18, 19 tuổi, sức dài vai rộng nhưng nhẫn tâm để mẹ ăn cám, bán máu nuôi mình. Thiếu gì công việc cho các em kiếm tiền nuôi sống bản thân, giúp cha mẹ không phải cùng cực đến vậy? Miền Tây vào vụ lúa không kiếm ra người gặt, cao nguyên năn nỉ người hái cà phê, miền Đông các khu công nghiệp treo biển hàng loạt tìm công nhân, chủ phải lấy lòng để công nhân lành nghề không bỏ sang công ty khác. Người giúp việc theo giờ của em tôi dọn nhà hai lần mỗi tuần, lãnh một triệu đồng mỗi tháng. Hôm nọ hàng xóm kêu chị qua làm thêm nhà họ. Chị phải chối, nói giới thiệu bạn tới làm được không, vì chị kín hết giờ từ sáng đến tối rồi, đã làm cho ba bốn gia đình, trong đó một gia đình người nước ngoài phải nấu ăn bữa tối, chỉ còn duy nhất chủ nhật chị muốn nghỉ. Mỗi tháng chị lãnh cỡ chục triệu. Những công việc ấy thấp kém quá, không xứng đáng với cử nhân, hay gia đình "không nỡ để con đi làm người ở"? Cơ quan tôi từng nhận tập sự những sinh viên báo chí năm cuối vẫn chưa biết cách gọi điện thoại, chưa biết tra bản đồ tìm đường đi trên mạng, mặc quần dây đai lòng thòng, mang dép lê đến cơ quan, không biết Internet, không biết dùng Word. Có em khóc rưng rưng dứt khoát đòi tôi chữa điểm thực tập, vì "em học giỏi nhất lớp, chị cho có 7 nhục với bạn lắm". Làm sao nhận những người như thế vào làm việc? Cứ cho rằng đại học bây giờ là phổ cập thì cũng thiếu gì cách để bạn học đại học thong dong hơn. Cứ học nghề rồi đi làm nuôi thân, đưa được cha ra khỏi ống cống đi rồi dành thời gian học đại học buổi tối. Tự lập rồi thì bạn muốn học tới khi qua đời cũng được. Đó là chưa nói xã hội luôn cần thợ hơn thầy, thời gian học nghề ngắn hơn nhưng thu nhập luôn cao hơn học đại học ra làm nhà nước. Có những ông chủ tập đoàn xuất thân từ lái taxi, bảo vệ. Phổ biến hơn, có những xe bánh tráng trộn lời tiền triệu mỗi ngày, những tiệm ăn lừng danh xuất phát từ gánh bún bò đặt trong hẻm... Cuộc sống không hề thiếu cơ hội, nhưng muốn làm vương tướng gì cũng phải no cái bụng trước đã. Phải biết lo cho cha mẹ mình miếng cơm thay cho miếng cám, trước khi bạn học bất cứ thứ gì để "cống hiến cho xã hội. |
1-10 of 11